2/8/16


   Thao tác vệ sinh cho bé

 Những thao tác vệ sinh dưới đây không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với các giáo viên mầm non mà với bất kỳ bà mẹ yêu con nào cũng cần "lụm" lại, "bỏ túi" để chăm sóc thật tốt cho bé yêu nhà mình nhé!

Hãy là bạn của con khi hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác vệ sinh

1. Lau mặt
a. Chuẩn bị
- Cô rửa tay sạch.
- Mỗi trẻ một cái khăn (dư vài cái).
- 2 chậu hoặc xô (1đựng khăn sạch – 1 đựng khăn dơ).
- Ghế cô ngồi, ghế trẻ ngồi.
b. Cách lau
- Cô ngồi ghế, chậu khăn sạch để bên phải gần cô, trẻ đứng hơi nghiêng người, tựa lưng vào đùi cô (trẻ lớn), đối với trẻ nhỏ cô bế trẻ.
- Một tay cô để đỡ phía sau đầu trẻ, tay kia cô trải khăn lên lòng bàn tay, dùng ngón tay cái và ngón tay giữa lau từng mắt trẻ, nhích khăn lên lau mũi, miệng, lau từ sống mũi đến đầu mũi bằng 2 ngón tay cái và trỏ. Phần khăn dưới vòng qua lau miệng. Gập khăn lại lau nửa mặt (từ giữa trán xuống gò má, rồi xuống nửa cằm), nửa bên kia lau tương tự. Lau cổ trước, cổ sau.
- Nếu trẻ nào dơ quá thì dùng thêm 1 khăn nữa để lau phần dơ trước.
2. Rửa tay
a. Chuẩn bị
- Thùng đựng nước rủa (kê cao 55cm).
- Chậu hoặc xô chứa nước dơ.
- Khăn lau tay khô treo gần thùng nước.
- Miếng chùi chân (trải dưới chân trẻ đứng).
- Xà phòng.
- Ghế cho cô ngồi, cô rửa tay trước khi rửa cho trẻ.
b. Cách rửa
- Cô ngồi ghế, các dụng cụ (thùng nước, xô chứa nước dơ…) để phía trước cô hơi chếch về phái bên phải, tải khô trải dưới chân trẻ đứng rửa.
- Trẻ đứng bên trái cô, tư thế thoải mái. Cô dùng ngón tay cái kỳ từ cổ tay đến mu bàn tay, kẽ ngón tay, vừa kỳ vừa vuốt. lật ngửa bàn tay kỳ và vuốt 2, 3 cái.
3. Tổ chức cho trẻ ăn
a. Chuẩn bị
- Bàn ghế để trẻ ngồi ăn.
- Ly uống nước (mỗi trẻ 1 cái).
- Khăn (mỗi trẻ 1 cái, dư vài cái).
- Yếm (nhà trẻ).
- Nước uống, chén, muỗng, dĩa đựng cơm rơi.
- Chậu đựng khăn lớn, dĩa đựng khăn nhỏ.
b. Tổ chức
- Sắp xếp bàn ghế để trẻ ngồi ăn thuận lợi, cô đi lại chia cơm dễ dàng.
- Đeo yếm cho trẻ trước khi ăn. Xếp những trẻ chưa tự xúc ăn được ngồi riêng 1 bàn để cô thuận tiện giúp trẻ ăn. Không cho trẻ ăn nóng quá hoặc nguội quá. Cô chia cơm ra từng chén, chia thức ăn ra và trộn đều (chén đầu), chén thứ 2 chan canh cho trẻ.
- Không để trẻ đợi lâu. Xếp 4 – 6 trẻ ngồi một bàn. Khi trẻ ăn, cô nhắc trẻ không được nói chuyện, ngồi ngay ngắn, trật tự, không gác chân lên bàn, không bốc thức ăn. Khi ăn nhai kỹ, không làm rơi đổ.
- Mỗi bàn ăn để một cái dĩa đựng đồ ăn rơi, một cái dĩa đựng khăn ướt lau tay, một dĩa đựng muỗng. Mỗi trẻ ăn riêng một chén một muỗng. Khi trẻ khóc hoặc buồn ngủ cô không nên ép trẻ ăn. Khăn, nước của trẻ phải để gần cô để tiện chăm sóc khi cần.
* Lưu ý: Cô phải biết xử lý tình huống khi trẻ hóc, sặc. Khi trộn cơm để chia cho trẻ không nên trộn quá nhiều. Tập cho trẻ nề nếp trong và sau khi ăn.
4. Rửa đít
a. Chuẩn bị
- Thùng kê cao 50 – 55cm.
- Chậu hứng nước dơ.
- Thùng có vòi, nối đầu ống cao su dài 60cm – 1m. 
- Ghế cô ngồi.
- Bậc cho trẻ ngồi (trẻ lớn).
- Xô, chậu đựng quần, tã dơ, xà phòng.
b. Cách rửa
- Trẻ dưới 19 tháng cô bế trẻ rửa, bế cách nào cũng được nhưng phải đảm bảo an toàn cho trẻ và cô thực hiện được kỹ thuật rửa.
- Dùng ngón tay để rửa bộ phận sinh dục và 2 bên trước, dùng 2, 3 ngón tay để rửa hậu môn.
- Đối với bé gái, cô dùng ngón cái để ngang bộ phận sinh dục và rửa từ trên xuống.
- Động viên trẻ ngồi rửa, không bắt buộc rửa bộ phận sinh dục trước. Cô dội nước từ trước ra sau hoặc từ sau ra trước. Cho trẻ đứng lên rủa lại mông.  
* Chú ý: Rửa đít cả 2 lứa tuổi, không dùng các ngón tay kéo phân về phía trước.
5. Lau nhà
a. Chuẩn bị
- 2 tải lau nhà (1 khô, 1 ẩm).
- Cán lau, chổi xẻng hốt rác.
- Xô hoặc chậu.
b. Cách lau
- Lau gần tủ, giường, bàn ghế và chỗ dơ trước, sau đó xả tải, thay nước xong mới lau toàn phòng. Lau từ trong ra ngoài, lau giật lùi không bỏ sót chỗ nào.
- Nếu lau bằng cán lau thì phải tì cán lau lên tải để lau qua lau lại cho sạch. Khi lau phải xả tải thay nước (tùy diện tích nhà để thay nước). Lau tải ẩm sau đó mới lau tải khô (nếu sàn chưa khô).
6. Lau phân, nước tiểu, ngồi bô
a. Chuẩn bị
- Mỗi trẻ một bô, nhà bô phải khô ráo, sạch.
- 2 tải (1 khô, 1 ẩm).
- Bô đựng phân, đồ hốt phân, xà bông, đồ rửa bô.
b. Cách lau
- Lau từ ngoài vào trong theo hình xoắn ốc. Nếu lau phân ướt thì lau bằng tải khô trước.
- Cho trẻ ngồi bô, mỗi trẻ một bô, kê cách nhau một khoảng. Khi trẻ ngồi bô cô phải có mặt, không để trẻ kéo lê bô hoặc móc tay vào bô. Trước khi cho trẻ ngồi bô cô phải cho một ít nước vào bô để phân không dính bô. Khi trẻ đi xong cô phải đậy bô lại hoặc đổ ngay vào cầu tiêu rồi mới rửa cho trẻ. Bô phải được rửa bằng xà phòng, úp lên kệ hoặc phơi nắng. Khi trẻ ngồi bô cô nhắc trẻ không được nói chuyện.
7. Cho trẻ ngủ
a. Chuẩn bị
- Giường (mỗi trẻ 1 cái), chiếu, chăn, màn, gối.
- Trẻ được đi tiêu tiểu trước khi ngủ.
- Không cho trẻ nằm dưới nền nhà.
- Quạt (máy hoặc tay), nếu trời nóng bức đóng các cửa lại.
b. Cho trẻ ngủ
- Cho trẻ nằm ngay ngắn, 1 trẻ 1 gối, buông màn, đắp chăn cho trẻ ngủ (nếu trời lạnh) hoặc quạt cho trẻ lúc trời nóng. Khi trẻ ngủ cô phải thức và có mặt, không được làm việc riêng.
* Chú ý: Phải sửa tư thế ngủ cho trẻ khi trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng.
- Khi ngủ, nếu có trẻ nào đi tiêu đi tiểu thì cô nhẹ nhàng thay quần áo, tã lót, chiếu và tiếp tục cho trẻ ngủ. Không nói chuyện to hoặc có tiếng động mạnh.
- Nếu trẻ mới đến khóc không chịu ngủ thì cô cho trẻ sang phòng chơi để trẻ chơi và dỗ trẻ. Trẻ nào dậy trước cô cho đi tiểu và vào nhóm chơi.
- Không nên đánh thức hàng loạt trẻ dậy, trẻ nào muốn ngủ nữa vẫn cho ngủ.    
 

Mầm non Template by Ipietoon Cute Blog Design