1/31/17


Mẹo cai sữa cho con

Bé Kim nhà mình được 18 tháng tuổi, mình quyết định cai sữa cho con. Các cụ cho rằng cai sữa lúc này là sớm nhưng mình thấy đa số các bà mẹ bây giờ đều làm như vậy vì rất nhiều nguyên nhân như: mẹ phải đi làm cả ngày nên lượng sữa ít đi, môi trường làm việc không đảm bảo vệ sinh dễ ảnh hưởng đến chất lượng của sữa, việc ăn uống cũng không được chăm lo như lúc còn ở cữ. Mà một số bé lại không chịu ăn chỉ đòi ti mẹ nên dễ bị suy dinh dưỡng.


Trước khi tiến hành mình cũng tìm hiểu rất nhiều bí quyết để bé cai sữa được nhanh hay là cách để ngực không bị căng tức sữa từ các chị em cũng như trên mạng. Nhưng mình vẫn rất lo lắng vì bé Kim nhà mình được ông bà nội ngoại đánh giá là “khó cai”. 
Mình còn nhớ 2 vợ chồng nhà cậu út cai sữa đứa con đầu lòng mà cai tất cả 6 lần mới thành công. Mỗi lần cai sữa cậu đều gửi con cho ông bà ngoại nhưng thằng bé cứ khóc hoài, khóc đến lả cả người không chịu ăn uống gì. Cuối cùng 2 vợ chồng thương con lại đành mang về cho bú lại. Đến lần thứ 6 thì cai được nhưng thằng bé vẫn sờ ti mẹ cho đến…lớp 6 mới thôi. Có nhiều bé khiến cha mẹ tốn công tốn sức trong việc cai sữa nhưng cũng có những bé lại cai rất dễ dàng như đứa em gái con nhà cậu cả mình. Lúc con bé 2 tuổi cả nhà đi làm đồng về có xách theo một con ếch, cậu mình mới nói đùa một câu: “Đứa nào mà hay đòi bú là bị ếch cắn”. con bé sợ quá từ đó trở đi không đòi bú nữa.
Mình biết có một số cách cai sữa cho con như làm cho vú mẹ trở nên xấu xí, có mùi lạ hoặc có vị lạ để bé bỏ ti như: bôi son, bôi dầu, cột chỉ, cột tóc…hoặc dùng thuốc dấu đối với một số trẻ khó cai. Đối với bé Kim nhà mình thì mình dùng CAO LÁ VẰNG (mình dùng nấu nước uống sau thời gian sinh) bôi hết lên bầu ngực và đầu vú. Lúc đầu bé nhìn vào thấy bẩn nên rất sợ nhưng đói quá nên bé vẫn quyết định bú, khi bú vào thì có vị đắng nên đành nhả ra và khóc. Mình bôi trát như vậy trong vòng 2 ngày, mỗi lần con đòi bú mình lại kéo áo lên cho bé thấy, bé sợ quá không dám nhìn nữa. Đêm đến mỗi lần con đòi bú mình và ông xã lại hùa nhau nói “eo ơi ghê lắm, đắng lắm” là bé lại quay mặt đi khóc một chút rồi ngủ tiếp. Thỉnh thoảng bé vẫn đòi bú hoặc sờ và đôi khi còn khóc nữa nhưng mẹ mình nói phải dứt khoát cai một lần không là lần sau rất khó cai bởi bé đã “khôn” hơn rồi. 
Còn vấn đề căng tức sữa thì do không có thời gian nên mình không dùng lá bắp cải xay nhuyễn với đá rồi chườm xung quanh vú (mình nghe các chị nói cách này hiệu quả và an toàn) mà uống thuốc tây trong vòng 2 ngày là hết sốt, sữa cũng không còn chảy nữa mặc dù ngực vẫn căng.
Một vài điều các mẹ nên lưu ý:
– Mẹ bé không nên cai sữa khi bé đang bị ốm vì sẽ khiến bé khó thích nghi với những thay đổi mới, gây ra biếng ăn, còi xương.
– Không cai sữa cho bé trong thời kỳ nắng nóng hay thời tiết khắc nghiệt, chuyển mùa. Không cai sữa khi bé đang có vấn đề về sức khoẻ, nhiễm khuẩn, hay suy dinh dưỡng.
– Khi tiến hành cai sữa cần quan tâm đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng của bé để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết thay thế bầu sữa mẹ.
– Khi cho bé ăn dặm cần chế biến những món ăn thật mềm, nhỏ như cháo loãng hay bột, vừa tốt cho tiêu hóa và sự phát triển răng của trẻ vừa loại trừ những nguy cơ bị hóc, nghẹn.
– Quá trình cai sữa cho bé các mẹ sẽ rất sốt ruột khi con quấy khóc nhưng các mẹ hãy kiên trì nhé.

Chúc các mẹ thành công và chúc các bé luôn khỏe mạnh và thông minh.

Background đẹp cho slide của powerPoint


        Hôm nay mình sẽ chia sẻ cho các bạn một số khung hình đẹp để chèn vào các Slide trong PowerPoint. Vì đây là những khung hình được làm thủ công và để tiện cho các bạn trong việc chỉnh sửa nên mình không Group nó lại. 
          Đặc điểm của những khung hình này là màu sắc sặc sỡ với nhiều ong bướm, hoa lá rất thích hợp cho những bạn công tác bên ngành Giáo dục Mầm non khi soạn bài giảng điện tử...
          Xin lưu ý là những khung hình này không phải do mình tạo ra mà mình sưu tập được.
          Tải về TẠI ĐÂY





Khung đẹp cho các slide của PowerPoint
           
           Hôm nay mình tiếp tục chia sẻ đến các bạn một số khung đẹp được sử dụng làm Background cho các Slide của PowerPoint. 

          
Số lượng các khung đẹp mà mình chia sẻ lần này cũng kha khá với nhiều mẫu mã mang phong cách cổ điển có, hiện đại có…dễ dàng cho các bạn chọn lựa tùy vào mục đích sử dụng cũng như tùy vào sở thích của mỗi người.

          Các bạn có thể Download về để sử dụng TẠI ĐÂY  

Hợp tác giữa gia đình và nhà trường trong CS&GD trẻ


Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người Giáo viên Mầm non là hợp tác với phụ huynh trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Đây cũng là một mảng trong dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Vì sao cần có sự hợp tác giữa giáo viên và phụ huynh?
“Kết quả nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới cho thấy: ở tuổi mầm non, cha mẹ và các thành viên trong gia đình là yếu tố quan trọng nhất đối với hầu hết các chỉ số phát triển của trẻ…”. Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong ngày của trẻ là ở trường chứ không phải ở nhà. Trên lớp, trẻ được ăn, ngủ, học, chơi…cùng bạn dưới sự giám sát của giáo viên. Và hầu hết các bậc cha mẹ đều bận rộn với công việc nên đôi khi không có thời gian để chơi với con, để lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu hết sức trẻ con của bé (điều này rất cần thiết để giúp trẻ phát triển toàn diện). Vì vậy, việc liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh là vô cùng quan trọng. 
Chúng ta cũng dễ nhận ra lợi ích của việc phối hợp giữa cha mẹ và nhà trường đối với trẻ:
- Được thụ hưởng chăm sóc và giáo dục tốt hơn.
- Tự tin vào giá trị của bản thân.
- Nâng cao hơn kết quả học tập và phát triển.
Ngoài việc gặp gỡ trực tiếp phụ huynh; tổ chức buổi trao đổi thông tin; tổ chức các hội thảo, khóa học, hội chợ; cung cấp tài liệu…giáo viên còn có thể sử dụng bảng truyên truyền.
Kết luận
Giáo dục gia đình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, vì vậy sự hợp tác giữa giáo viên với cha mẹ trong việc CS&GD là hết sức cần thiết. Sự hợp tác cần thực hiện dưới nhiều hình thức và phương pháp phong phú, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng.
Tài liệu tham khảo: 
DỰ ÁN
Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non
MN2


Hợp tác với cha mẹ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

Thao tác vệ sinh cho bé


1. Lau mặt (khi có mồ hôi)
- Dùng khăn khô để lau: trải khăn lên 2 lòng bàn tay để lau mồ hôi, lau từ trán xuống má, xuống cằm, lần lượt từng bên, sau đó gấp khăn lại làm đôi lau mũi, miệng, tiếp tục gấp khăn lại lần nữa lau cổ và gáy.
2. Rửa tay, lau tay (chuẩn bị ăn cơm hoặc khi tay dơ)
- Xắn tay áo lên, dùng gáo múc nước (có vòi nước càng tốt) dội cho ướt tay. Kỳ cổ tay, hông bàn tay, mu bàn tay, kỳ lần lượt ngón tay sau đó rửa 2 lòng bàn tay rồi lau bằng khăn khô (khăn lớn dùng cho từng tổ).
3. Rửa mặt (trước khi ăn và sau khi ngủ dậy)
- Mỗi trẻ một khăn sạch do cô chuẩn bị sẵn. Trải khăn lên 2 lòng bàn tay lau mắt trước rồi đến mũi, miệng, gấp khăn lại rồi lau lần lượt từng bên trán, má, cằm. Tiếp tục gấp khăn lại lau cổ.
4. Chùi mũi (khi có mũi)
- Cháu dùng khăn tay riêng để lau (mang trên áo). Khi lau dùng 2 ngón cái và trỏ gom mũi lại cho sạch.
5. Súc miệng, đánh răng (súc miệng sau khi ngủ dậy, đánh răng sau khi ăn)
- Súc miệng: cầm ca nước, hớp nước, giữ cho răng đụng nhau, môi đụng nhau (ngậm miệng) súc kêu lục xục rồi nhổ ra.
- Thực hiện 2, 3 lần.
- Đánh răng: súc miệng 2 lần rồi dùng bàn chải có kem đánh răng thấm nước, chải mặt trong và ngoài của răng rồi mới chải mặt nhai. (thực hiện theo PP của nha học đường đã hướng dẫn). Hớp nước súc miệng 2 lần.
6. Chải đầu (khi tóc rối)
- Bạn trai: tay phải cầm lược, chải xuôi tóc rồi rẽ sang phải, tiếp tục chải xuôi từ đỉnh đầu ra sau rồi rẽ sang trái.
- Bạn gái: tay phải cầm lược, chải xuôi tóc từ đỉnh đầu xuống, rẽ phải (nếu có) rồi chải xuôi 2 bên và đằng sau.
7. Đi dép (guốc, giày)
- Mang dép,  giày đúng chiều với chiều cong của đôi bàn chân. Khi đi không kéo lê, không dậm mạnh.
8. Rửa chân (khi chân bẩn)
- Xắn cao quần dài, 1 tay vịn vào 1 nơi cho khỏi ngã, tay kia múc nước dội 2 bàn chân, sau đó lấy bàn chân này kỳ lên mu bàn chân kia, lên gót bàn chân kia và ngược lại, kỳ sạch, dội nước và amng dép lại.
9. Mặc, cài nút áo, cởi áo
- 2 tay cầm 2 đầu cổ áo, giũ mạnh rồi mặc lần lượt từng tay áo vào. Sau đó so 2 vạt áo cho bằng nhau rồi cài nút áo từ trên xuống.
- Cởi áo thì cời lần lượt từng nút áo từ dưới lên, mở 2 thân áo rộng ra khỏi vai, 1 tay xuôi, 1 tay giữa áo sau đó rút tay xuôi ra khỏi tay áo rồi cầm thân áo và tiếp tục rút tay còn lại ra khỏi tay áo.
- Đối với áo thun hoặc áo không cài nút thì 2 tay cầm lai áo choàng vào đầu, giữ lại ngay cổ, thân trước đưa ra trước mặt, sau đó cho từng tay vào tay áo và kéo thân áo xuống, sửa lại chon gay ngắn.
10. Xếp quần áo
- Xếp quần: Chập 2 ống quần theo đướng đáy rồi đặt xuống bàn, vuốt thật thẳng. Sau đó xếp lại đôi hoặc ba tùy ý. Nếu là quần yếm thì xếp yếm và dây vào trong rồi xếp như quần thun.
- Xếp áo: Chập 2 tay, 2 đường may bên hông áo, giũ thẳng, đặt xuống bàn, vuốt thẳng, gấp vạt áo vào ½ thân. Sau đó xếp 2 tay áo bỏ thẳng xuống thân áo, rồi xếp làm đôi hoặc 3 tùy ý.
11. Lau bàn ghế
- lau mặt bàn, chân bàn rồi chuyển sang lau mặt ghế, chân ghế (giẻ lau phải vắt ráo nước, lau xong giặt sạch phơi khô).
12. Rửa ca, cốc
- Cho ca cốc vào thau nước sạch để rửa, một tay cầm ở đáy ca cốc, tay kia cầm các ngón tay kỳ rửa cho sạch sau đó rửa lại với nước sạch một lần nữa rồi úp phơi. Chuẩn bị 2 chậu nước rửa.
13. Quét nhà, lau nhà
- Quét sạch rồi lau (lau 2 tải, 1 ướt, 1 khô).
14. Giặt khăn, phơi khăn
- Khăn của cháu giặt bằng xà phòng cho sạch, vắt ráo nước rồi phơi chỗ nắng.


Phong cách của giáo viên



1. Đầu tóc, ăn mặc, đi guốc, dép
- Đầu tóc luôn gọn gàng khi đến lớp và ra về.
- Ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự.
- Không để móng tay dài, không sơn móng tay.
- Đi không kéo lê guốc dép phát ra tiếng động.
2. Đi đứng, ngồi
- Đi đứng nhẹ nhàng, không đi lại hấp tấp vội vàng. Tránh đi lại quá nhiều trong giờ học.
- Không đi sát trước mặt trẻ.
- Khi hướng dẫn cháu học, cô đứng ở vị trí thích hợp để cô và trẻ cùng nhìn rõ.
- Ngồi theo tư thế đã hướng dẫn cho cháu.
3. Đối xử, nói năng
- Dịu dàng, công bằng, vô tư đối với cháu.
- Nhã nhặn, khiêm tốn đối với phụ huynh.
- Vào lớp không nói to, dặn dò nhắc nhở trong giờ học không nói nhanh, nói lắp, nói ngọng.
- Không nói lấn át cắt ngang cháu.
4. Chào hỏi, xưng hô
- Gật đầu chào lại khi cháu chào.
- Có khách vào lớp, cô chào trước rồi giới thiệu để cháu chào.
- Thưa gửi khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn. Không hỏi và bắt cháu trả lời ngay khi cháu đang chơi. Gọi con, xưng cô.
- Không xưng mày, tao, tôi trước mặt trẻ.
5. Mẫu mực trong việc làm và sinh hoạt
- Đến trước giờ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện dạy học.
- Không nói to, đùa giỡn trước cháu, không nói nhiều trong tiết học. Cảm ơn khi cháu giúp.


Phong cách của học sinh


1. Ra vào lớp
- Ra vào lớp đúng giờ, vào chậm phải xin phép cô giáo. Muốn ra ngoài khi đang học phải xin phép cô giáo.
2. Đầu, cuối buổi học phải xếp hàng ra về
- Xếp hàng theo tổ, bé đứng trước, lớn đứng sau, tay trái đặt lên vai bạn trước.
- Khi xếp hàng không chen lấn, xô đẩy nhau, không đùa nghịch, không đội nón, không mang quà bánh cầm được.
3. Đi đứng
- Đi lại trong lớp nhẹ nhàng, không gây tiếng động.
- Đi đứng nhẹ nhàng, ngay ngắn, không vẹo chân, vẹo người, không vừa đi vừa chạy.
- Biết nhường bước khi gặp cô, gặp khách, gặp bạn đang vội mang nặng.
- Không đi sát trước mặt mọi người, nếu cần đi qua phải cúi đầu.
- Trong giờ học, trả lời phải đứng thẳng, tay buông thong.
- Khi đứng trước lớp đọc thơ, hát phải đứng thẳng người, quay lưng lên bảng, đợi cô nhận xét xong mới về chỗ ngồi.
4. Ngồi giơ tay
- Ngồi, nắm hai tay để song song thẳng người.
- Ngồi học trong bàn, lưng tựa vào ghế, đầu gối khép, chân khép vào chân ghế, tay để lên gối, ngồi trật tự trong giờ học.
- Muốn phát biểu phải im lặng giơ tay, cô chỉ định mới được nói.
5. Học tập – phát biểu – sinh hoạt
- Tuyệt đối không mang thức ăn, đồ chơi trong tiết học.
- Tuân theo sự hướng dẫn bằng lời hoặc cử chỉ, điệu bộ, hiệu lệnh của cô giáo.
- Đến lớp, đồ dùng cá nhân phải để vào nơi quy định.
- Sau khi học và chơi phải thu dọn ĐDĐC vào đúng nơi quy định.
- Kê dọn bàn ghế để học, chơi phải nhẹ nhàng.
6. Đầu tóc – ăn mặc – đi guốc dép
- Tóc được cột gọn khi đến lớp, ra về mặt mũi, đầu tóc gọn gàng.
- Không mặc áo rách, đứt khuy.
7. Đến lớp – ra về
- Phải mang giày, không mang dép quá cao, biết chào hỏi, nói năng, mời.
- Đến lớp, ra về phải chào cô, chào bạn.
- Chào khách đến lớp. Khi được cô, người lớn hỏi phải lễ phép trả lời, không hỏi khi mọi người bận tiếp khách, cần hỏi phải xin phép, hỏi nhỏ.
- Nói năng thong thả, từ tốn, không nói to, nói tranh lời bạn.
8. Thưa gửi cô người lớn phải dạ thưa
- Người lớn gọi phải vâng dạ, khi trả lời tập thể phải gọn.
- Đang ngồi học, cô hoặc khách hỏi phải đứng dậy trả lời.
9. Xưng hô
- Gọi cô, xưng con, gọi khách bằng chú, cô, bác.
10. Cảm ơn – xin lỗi
- Khi cô đưa hoặc giúp đỡ phải cảm ơn, khi vi phạm phải xin lỗi.


Bệnh cảm cúm ở trẻ em


Thông thường chúng ta ít khi chú ý đến một số triệu chứng như hắt hơi nhẹ hoặc chảy nước mũi của trẻ. Nhưng nếu xem những biểu hiện này là triệu chứng của cảm thì số lần bị cảm của mỗi đứa trẻ bình quân khoảng 6 lần/năm.


   Trong trường hợp nào dễ bị lây truyền cảm cúm?
   Thông thường cảm thường kéo dài 6-14 ngày, 3 ngày đầu dễ lây nhất nhưng sau khỏi 2 tuần vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Vì thế trẻ con rất dễ bị cảm cúm.
   Nếu một đứa trẻ bị cảm cúm và có biểu hiện là chảy nước mũi thì có thể trẻ sẽ không chú ý, thông thường thì trẻ thích dùng tay ngoáy mũi, cứ như thế, vi khuẩn hoặc virus sẽ di chuyển đến tay, quần áo, đồ chơi của trẻ, đồng thời có thể tồn tại trong vòng 30 phút. Và khi những đứa trẻ khác chạm hay chơi những đồ chơi này, sau đó lại dùng tay sờ mũi, dụi mắt và như thế sẽ bị lây nhiễm.
   Nhưng trẻ em mỗi lần bị cảm thì cơ thể và khả năng chiến đấu chống lại vi khuẩn virus của trẻ sẽ mạnh hơn. Cứ như thế cho tới lúc học tiểu học, số lần bị nhiễm cảm của trẻ sẽ giảm đi.
   Thực phẩm phòng cảm cúm
   Trẻ em sau khi sinh trong vòng 3 tháng tuổi, mỗi khi xuất hiện triệu chứng cảm thì nên đưa trẻ đi khám bác sỹ. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm hoặc lớn hơn thì chúng ta có thể xây dựng cho trẻ một “vành đai bảo vệ” từ thức ăn để hạn chế lây nhiễm cảm cho trẻ.
1. Nên ăn nhiều thực phẩm có tính kiềm
   Môi trường kiềm trong cơ thể không có lợi cho virus sinh trưởng và phát triển. Điều này có nghĩa là nếu cơ thể giữ được ở trong môi trường kiềm thì virus cảm không thể “thừa cơ chen vào”. Vì vậy nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm có tính kiềm, từ đó thay đổi môi trường bên trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng là một trong những biện pháp tốt nhất để đối kháng với virus.
   Thực phẩm có chứa nhiều kiềm bao gồm táo, nho, cà chua, cà rốt, rong biển…
2. Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A
   Vitamin A có thể ổn định màng tế bào da trên cơ thể, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. Khi cơ thể thiếu vitamin A, khả năng chống lại virus của các tế bào cũng giảm đi, chức năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp cũng theo đó yếu đi, một khi bị virus, vi khuẩn tấn công thì rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp.
   Các loại rau quả màu đỏ thường giàu vitamin A.
3. Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C
   Vitamin C có công dụng tăng cường thể lực và phòng chống virus lây nhiễm. Vitamin C hỗ trợ sự hình thành kháng thể, tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể. Vitamin C còn có thể đẩy các chất có hại ra ngoài tế bào bạch huyết, phục hồi các tế bào bị thương tổn.
   Lúc bị cảm hoặc bị sốt, nồng độ vitamin C trong tế bào bạch huyết sẽ giảm thấp, vì vậy nên chú ý bổ sung thêm những thức ăn hàm chứa vitamin C.
   Thực phẩm chứa nhiều vitamin C bao gồm: cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt xanh....
4. Ăn nhiều thực phẩm chứa Kẽm
   Kẽm có thể trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của virus cảm, đồng thời tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể, được đặt cho biệt danh “ khắc tinh của virus”.

   Thực phẩm chứa kẽm bao gồm: con hàu, thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng…

Bệnh hen ở trẻ em


     Trẻ em có một chế độ dinh dưỡng giàu hoa quả và rau củ cũng như ăn nhiều cá có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh hen và khò khè. Để có kết luận này, các nhà khoa học thuộc Đại học Ulm (Đức) đã xem xét dữ liệu ở 50.000 trẻ em từ 8-12 tuổi tại 20 quốc gia khác nhau, theo báo Independent.



   Theo các nhà nghiên cứu, hoa quả và rau củ có nhiều chất chống ô-xy hóa, qua đó giúp giảm nguy cơ bị hen và thở khò khè. Ngoài ra, đây còn là nguồn giúp bổ sung cho cơ thể carotenoid, vitamin C và E, vốn rất tốt cho chức năng phổi. Nghiên cứu còn cho thấy ăn từ 3 chiếc bánh mì kẹp thịt (hamburger) trở lên mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen.
    Trẻ suyễn có nên kiêng ăn?
    Khi trẻ lên cơn suyễn, không nên cho trẻ ăn bất kì loại thực phẩm nào để tránh trẻ bị sặc. Ngoài ra, nên bù nước đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Để hạn chế trẻ bị suy dinh dưỡng, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn nhiều bữa và thực phẩm chứa nhiều chất béo. Kiêng cữ tất cả các loại thức ăn gây dị ứng, tăng nguy cơ kích phát cơn hen.
    Thời tiết mùa xuân và bệnh hen ở trẻ
   Chăm sóc sức khỏe cho người bình thường đã khó, dinh dưỡng hợp lý lại là một việc khó hơn, đặc biệt là đối với trẻ bị suyễn.
   Suyễn là một bệnh mãn tính nên vấn đề dinh dưỡng phải thay đổi sao cho phù hợp với lúc không bệnh, lúc lên cơn. Dựa vào đặc điểm của bệnh: dễ kích ứng với môi trường (bụi, không khí…), khởi phát không báo trước (khó thở, thở nhanh)… để chúng ta có thực đơn hợp lý tránh suy dinh dưỡng lẫn béo phì cho trẻ.
   Đối với trẻ, lúc không bệnh (chưa có những đợt kích phát) nên có chế độ ăn theo lứa tuổi. Trong giai đoạn trẻ sơ sinh (nhỏ hơn 6 tháng tuổi) thì sữa mẹ vẫn là tốt nhất. Tuy nhiên, vì một số lý do, người mẹ không có sữa hoặc trẻ không chịu bú thì cũng nên linh hoạt cho trẻ dùng sữa thay thế (khoảng 150mg/kg/ngày). Những loại thực phẩm cho trẻ ăn dặm như bột, cháo, ya-out cũng cần kết hợp với sữa để trẻ không bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì.
   Bốn nhóm thực phẩm cần thiết: bột đường, sữa đạm, dầu ăn chất béo, rau quả phải được kết hợp trong một bữa ăn với số lượng một/một. Một chén cháo hoặc bột ít nhất cần đảm bảo bốn nhóm thực phẩm kể trên với một muỗng canh thịt bằm nhuyễn, một muỗng canh dầu ăn và một muỗng canh rau xắt hạt lựu.
   Việc kiêng cữ thức ăn ảnh hưởng ít nhiều bởi yếu tố dị ứng di truyền từ bố, mẹ, anh, chị em, người thân trong gia đình. Qua thực tế, những trường hợp ghi nhận được thì thức ăn dễ gây dị ứng gồm: trứng, các loại hạt (đậu phộng), hải sản, lúa mì, rượu đỏ; những thực phẩm sinh lưu huỳnh như coca, thức ăn chiên bằng dầu ăn đã sử dụng trước đó…
   Để giảm nguy cơ mắc suyễn các bà mẹ có trẻ ít nguy cơ dị ứng nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi, ăn ít muối. Đối với trẻ có nguy cơ dị ứng cao (có người thân bị dị ứng) cần kiêng cữ những thực phẩm dị ứng gây suyễn, hạn chế thức ăn mới, bú bình…
   Mùa xuân, thời tiết miền Bắc nước ta thay đổi bất thường, đang ấm chuyển lạnh đột ngột, sau đợt gió mùa đông bắc thường có những đợt gió nồm, mưa phùn ẩm ướt, không khí bão hòa hơi nước tạo điều kiện thuận lợi cho các cơn hen xuất hiện.
   Các viêm nhiễm đường hô hấp trên, nhất là VA và amiđan bị nhiễm khuẩn cũng là những gai kích thích gây cơn hen ở trẻ em.
   Trẻ bị hen ở thể điển hình rất dễ biết, nhất là đối với những trẻ lớn. Thường cơn hen xảy ra về đêm, gần sáng. Trong cơn hen trẻ rất khó thở, nét mặt lo âu, hơi tím tái, vã mồ hôi, thở cò cử… Mỗi cơn hen kéo dài khoảng một giờ, sau đó trẻ ho, khạc ra nhiều đờm trắng dính.
   Ngoài thể điển hình nói trên, còn thường gặp những thể không điển hình, có những trường hợp nguy kịch, nhưng cũng có những trường hợp rất nhẹ chỉ biểu hiện như viêm đường hô hấp trên, có tiếng cò cử, thường xuất hiện vào những lúc thay đổi thời tiết, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
   Trẻ càng nhỏ (từ 1 đến 3 tuổi) hen càng nặng, các trẻ lớn bệnh nhẹ hơn. Trẻ có thể bị hen ngay từ khi còn bú (nhân dân ta vẫn gọi là “hen sữa”), nhưng cũng có những cháu đã lớn khoảng 8 – 9 tuổi mới mắc bệnh.
   Về điều trị, các thuốc chữa bệnh hen hiện nay có nhiều, nhưng phải tuỳ theo lứa tuổi và tình hình bệnh cụ thể của trẻ mà dùng loại thuốc thích hợp. Ngoài thuốc men và các biện pháp cắt cơn hen do bác sĩ quyết định, gia đình cần chú ý tạo điều kiện thuận lợi để bệnh giảm bằng phương pháp tự nhiên, như thay đổi khí hậu; nhà ở sạch, thoáng và khô ráo; cho trẻ ăn uống thích hợp với cơ địa. Mặt khác phải chú ý điều trị các ổ viêm nhiễm ở đường hô hấp như viêm amiđan, viêm VA để giải quyết những gai kích thích.

 Các bước rửa tay chuẩn WHO


     Bước 1: Làm ướt 2 bàn tay dưới vòi nước sạch, lấy xà phòng, xoa 2 bàn tay lại với nhau để tạo bọt.


     Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.


     Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà sát chéo mu bàn tay kia và ngược lại.


     Bước 4Dùng đầu ngón tay  lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.


     Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.



     Bước 6: Xả sạch xà phòng dưới vòi nước sạch, lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch. 

     
     Các bé nhớ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn nhé!

Trang trí các góc mầm non


      Trong lớp học dành cho trẻ mẫu giáo, ngoài 5 góc chính: góc học tập, góc nghệ thuật, góc thiên nhiên, góc xây dựng, góc phân vai (Chúng ta có thể đặt cho 5 góc này bằng những cái tên hoa mĩ hơn, VD: góc phân vai có thể đặt: Bé chọn vai nào...)  còn có những mảng dành cho phụ huynh, mảng điểm danh, sinh nhật bé, bé ngoan của lớp, mảng trưng bày sản phẩm tạo hình của bé. Tất cả đều phải trang trí phù hợp, bắt mắt...
Dưới đây là một số hình ảnh trang trí lớp học mầm non.

Điểm danh (Có thể đặt: Bé ơi! Hãy đến lớp, Hôm nay ai đến lớp?, Bé đến lớp chưa? Bé vui đến lớp...)







Bảng bé ngoan (Có thể đặt: Bé ngoan của lớp, Hoa bé ngoan...)








Sinh nhật hồng, mừng bé thêm tuổi mới...




Sản phẩm của bé (Trưng bày tranh bé vẽ trong hoạt động tạo hình, hoạt động vui chơi).




Góc học tập
+ Thời tiết hôm nay
+ Một ngày của bé
+ Bé vui học toán
+ Ong non tìm chữ
+ Vườn cổ tích
+ Bé tìm hiểu
+ Đố bé chữ gì?

















Góc nghệ thuật (Có thể đặt: Ca sĩ nhí, họa sĩ tí hon,...)




Góc phân vai (Có thể đặt: Bé chọn vai nào?...)
+ Đối với trẻ lớp Lá, trong góc này còn có thêm một góc nhỏ: Bé tập làm nội trợ.




 Góc xây dựng (Có thể đặt: Bé làm bao nhiêu nghề,...)




Góc thiên nhiên (Có thể đặt: Bé khám phá,...)

Mảng dành cho phụ huynh (Còn gọi là bảng tuyên truyền)







 

Mầm non Template by Ipietoon Cute Blog Design